Làn sóng cắt giảm lao động

Nguồn: https://vnexpress.net/lan-song-cat-giam-lao-dong-4535087.html

Nhận xét

  1. Hàng chục nghìn lao động phía Nam mất việc do nhà máy thiếu đơn hàng, con số này có thể tăng khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa thể hồi phục.

    Đầu tháng 9, nhà máy S.K Vina (TP HCM), trong ngành may mặc, với gần 900 công nhân, nhận yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động từ công ty mẹ bên Hàn Quốc. Lý do đưa ra là một hãng thời trang bất ngờ hủy toàn bộ đơn hàng, tập đoàn không tìm được đối tác khác bù vào. S.K Vina cần hoàn tất phương án giải thể trong tháng 11. Tiền lương, các khoản bồi thường, hỗ trợ cho công nhân gần 30 tỷ đồng sẽ được tập đoàn "rót" từ Hàn Quốc sang. Những đơn hàng dang dở được chuyển đến nhà máy ở Bình Dương để hoàn thiện.

    Công ty S.K Vina hoạt động tại TP HCM gần 15 năm. Từ giữa năm nay, trong khi hầu hết doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng bởi sức mua của thị trường châu Âu, Mỹ giảm, S.K Vina vẫn có hàng để sản xuất, công nhân chỉ phải giảm giờ làm thêm. "Không ai trong chúng tôi chuẩn bị cho tình huống phải giải thể", đại diện công ty nói. Nhà máy muốn giữ lại công nhân nhưng trong bối cảnh đơn hàng trong ngành giảm đồng loạt lãnh đạo khó xoay ra việc để làm.

    Cách nhà máy S.K Vina hơn 200 km, ở miền Tây, từ tháng 10 đến cuối tháng 12 lần lượt hơn 5.300 lao động (chiếm 53% nhân sự) của Công ty TNHH An Giang Samho, sản xuất da giày, lâm cảnh thất nghiệp. Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, công ty cho hay một đối tác lớn của doanh nghiệp, chiếm 40% quy mô sản xuất, đã dừng đặt hàng. Nhiều đơn hàng khác cũng sụt giảm vì lạm phát, thị trường xuất khẩu thu hẹp. Công ty cố gắng tìm kiếm nguồn hàng khác để bù đắp nhưng không thể xoay chuyển, phải thu hẹp sản xuất, sắp xếp lao động.

    Sau nhiều cuộc làm việc với ngành chức năng địa phương, công ty quyết định không cắt giảm những lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng, một mình nuôi con, người có sổ hộ nghèo. Nếu gia đình có nhiều người làm ở An Giang Samho, nhà máy sẽ giữ lại một người... Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang Phạm Sơn nói nhiều năm làm việc ông chưa từng gặp trường hợp nhà máy cho nghỉ cùng lúc hơn 5.000 công nhân như An Giang Samho. Số lượng lao động bị ảnh hưởng quá lớn nên ban đầu khâu giải quyết của địa phương khá lúng túng.

    S.K Vina, An Giang Samho là hai trong số các nhà máy ở phía Nam phải cắt giảm lao động do thiếu, mất đơn hàng. Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Việc cắt giảm này đi ngược xu thế mọi năm khi cùng kỳ các nhà máy thường gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng.

    Ở một số địa phương khác, theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương, đến cuối tháng 10, khoảng 28.000 người bị ngưng việc. Khảo sát của công đoàn tỉnh này cho thấy, khoảng 240.000 lao động bị ảnh hưởng. Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Con số này ở Long An thời gian qua hơn 1.000 người, có nhà máy giảm 700 nhân sự...

    Tại TP HCM, hồi giữa tháng 10, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm cho biết năm 2022 hơn 2.800 lao động bị mất việc. Tuy nhiên, số liệu từ các địa phương cho thấy chỉ với ba nhà máy ở quận 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, lao động bị cắt giảm thời gian qua đã hơn 3.400 người. Một nhà máy giày ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) với hơn 6.000 công nhân đang tính giảm nhiều nhân sự vì thiếu đơn hàng.

    Theo: VnExpress

    Trả lờiXóa
  2. Hơn 30 năm làm trong ngành may mặc, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, nói rằng đây là lần đầu gặp cảnh công nhân thiếu việc, nhà máy thiếu đơn hàng diện rộng. Các nhà máy bị giảm 30-50% đơn hàng nên buộc phải ngừng giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên. Tình hình lúc này còn khó hơn thời điểm Covid-19 bùng phát.

    "Lúc Covid-19 lan rộng, mình có niềm tin dịch sẽ được khống chế và doanh nghiệp có cơ sở đề xuất chính phủ hỗ trợ cho công nhân. Giờ đây, chúng tôi cực kỳ lúng túng", ông Hồng nói và ví von hai tháng cuối năm lẫn 6 tháng đầu năm 2023 "như đi vào đường hầm, chưa thấy ánh sáng". Tình hình sẽ khó khăn hơn bởi nhiều nhà máy có rất ít đơn hàng cho năm mới, trong khi việc xoay xở tìm thêm thị trường không phải dễ. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận các đơn hàng giá thấp, thậm chí lỗ để duy trì việc cho công nhân nhưng cũng khó.

    Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu giảm rõ rệt. Cụ thể, châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30-40%. Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Từ quý 4/2022 và dự báo quý 1/2023, doanh nghiệp không có khách hàng mới. Các công ty cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40-50%. Không ít doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và quy mô sản xuất.

    Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới thiệu sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - chi nhánh TP HCM), nói do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng giày dép, áo quần, nội thất của người dân châu Âu, Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm, nên các nhà máy gia công cho các nhãn hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, nhiều công ty hoạt động trong các ngành phụ trợ cho thị trường Nhật, doanh thu cũng sụt giảm do đồng yen mất giá.

    PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), nêu một khảo sát của viện cho thấy 60% lao động vào các nhà máy sản xuất làm việc mà không cần bất cứ điều kiện gì, tức rất dễ tuyển và cũng dễ bị thay thế khi nhà máy gặp khó khăn về tài chính. Khảo sát cho thấy hơn 10% lao động lớn tuổi ở miền Tây về từ các tỉnh thành công nghiệp, chủ yếu hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi hưu. Đây là hệ quả của nền kinh tế thâm dụng lao động và công nhân dễ bị đào thải khi xảy ra dịch bệnh, kinh tế suy thoái.

    Theo ông Lộc, khi thị trường bên ngoài chững lại, các nhà máy xuất khẩu không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, nhà nước cần xem đây là dịp để cân đối lại tỷ trọng của các ngành, điều phối lao động giữa các ngành sản xuất, dịch vụ, xây dựng... Trước mắt, một phương án có thể tạo ra việc làm mới cho người lao động là thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư công ở các ngành, địa phương. Hiện hàng trăm nghìn tỷ đồng không giải ngân được đồng nghĩa hàng triệu chỗ làm mới đã không được tạo ra.

    Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho hay cơ quan này đang tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị giảm sâu đơn hàng. Phía công đoàn sẽ hỗ trợ những trường hợp khó khăn, động viên các chủ doanh nghiệp cố gắng giữ người lao động để chờ phục hồi. "Nhìn vào bài học sau dịch sẽ thấy, những doanh nghiệp vội vàng sa thải lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường phục hồi", ông Phan Anh nói.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

XEM THÊM 🔽

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, thành phố Thủ Đức

Thi thể bé trai nổi trên suối ở Bình Dương

Xe bán tải bị nước cuốn trôi trong cơn mưa ở Bình Dương, nữ tài xế tử vong

Vựa phế liệu ở Bình Dương cháy ngùn ngụt trong cơn mưa