Dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập giảm sâu, công nhân lao động (CNLĐ) ở Bình Dương phải xoay xở nhiều cách để vượt qua giai đoạn khó khăn. Sau đợt nghỉ lễ 30.4 vừa qua, nhiều CNLĐ chuẩn bị hồ sơ để đi tìm việc làm mới.


Gia đình bà Nguyễn Thị Liên, anh Phan Văn Thắng ở chung trong phòng trọ chưa đầy 20m2. Ảnh: Đình 

Chạy xe ôm trong lúc thất nghiệp
Tại Bình Dương, Thành phố Thuận An là địa bàn phát triển công nghiệp từ rất sớm. Hiện thành phố có khoảng 250.000 lao động ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong những tháng qua, nhiều doanh nghiệp (DN) tại đây phải cắt giảm giờ làm với người lao động (NLĐ), thậm chí có DN ngưng hoạt động. Thu nhập của NLĐ vì thế cũng bị giảm, nhiều người bị mất việc làm.

Tại con hẻm trên đường ĐT 743, gia đình anh Huỳnh Văn Chung (42 tuổi, quê Cà Mau) sống trong phòng trọ 15m2, nhiều tháng nay phải thắt chặt chi tiêu để cầm cự trong lúc dịch bệnh. Bản thân anh Chung bị mất việc làm ở công ty (Cty), sau đó rơi vào tháng 3 và tháng 4.2020 do ảnh hưởng dịch bệnh ít DN tuyển dụng nên không tìm được việc làm mới.
“Mỗi tháng tiền trọ 1,6 triệu đồng, sinh hoạt của gia đình 3 tháng nay trông chờ vào phần lương 6-7 triệu đồng làm công nhân tại Cty giày da của vợ. Chưa tìm được việc, tôi đành đi chạy xe ôm  kiếm tiền trang trải qua ngày nhưng cũng không được bao nhiêu vì vừa qua dịch bệnh ít khách. Nhiều hôm, tôi chỉ ở trong phòng trọ, hạn chế ăn uống, hạn chế tối đa việc ra ngoài, vì ra ngoài là phải chi tiêu” - anh Chung cho hay.
Cùng dãy trọ với anh Chung, anh Phan Văn Thắng (23 tuổi, CN Cty may trong KCN VSIP1) nhiều tháng nay bị cắt giảm giờ làm. Mỗi tuần, anh Thắng chỉ làm việc 4-5 ngày không tăng ca, thu nhập chỉ từ 5-5,5 triệu đồng. Với số tiền này, một mình sống ở đô thị công nghiệp, anh Thắng cũng phải tính lại việc chi tiêu để có thể duy trì cuộc sống ở đây. “Ở chung, ăn chung là cách để tiết kiệm chi tiêu hiệu quả nhất. Tôi đến ở cùng gia đình của dì, chứ ở riêng, sinh hoạt một mình thì không đủ”- anh Thắng chia sẻ.
Vừa đón 2 cháu ngoại đi học về, bà Nguyễn Thị Liên (45 tuổi, quê An Giang, CN đóng gói Cty may mặc, dì của anh Thắng) tiếp nối câu chuyện: “Phòng nhỏ thôi nhưng 5 người ở vẫn được. Trong lúc khó khăn thì chịu khó một chút. Ở đông góp tiền nấu cơm ăn chung cũng vui lại tiết kiệm”- bà Liên chia sẻ.
Nhu cầu tuyển dụng chưa tăng cao
Sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5, Bình Dương bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Ngoài đường phố nhộn nhịp trở lại, trong các nhà máy không khí sản xuất cũng phấn khởi hơn, bớt căng thẳng. Chị Dương Thị Kiều Tiên (27 tuổi, quê Sóc Trăng) đã trở lại Bình Dương để tìm việc làm mới.
Chị Dương chia sẻ: “Tôi làm công nhân trong KCN VSIP. Trước đây, thu nhập của tôi 8-9 triệu đồng/tháng. Nhưng từ Tết, việc làm giảm dần, đến ngày 20.2 thì Cty tạm ngưng sản xuất. Cty có thông báo cho CN việc tạm hoãn hợp đồng lao động. Suốt 2 tháng qua, tôi không có thu nhập, chi tiêu chủ yếu dựa vào phần lương 6-7 triệu đồng của chồng. Không biết bao giờ Cty mới hoạt động trở lại nên tôi đã chuẩn bị một bộ hồ sơ để đi tìm việc làm mới”.
Cùng bị mất việc làm, anh Danh Cường (24 tuổi, CN gỗ tại thị xã Tân Uyên) chia sẻ: “Các Cty gỗ ở thị xã Tân Uyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Tôi là một trong số những CN phải tạm nghỉ việc suốt 2 tháng qua. Trước lễ vừa rồi, tôi về quê làm hồ sơ mới quay lại Bình Dương. Mong sắp tới, các Cty gỗ hồi phục tuyển thêm lao động để tôi tìm được việc làm mới”.
Theo ghi nhận, mặc dù thiếu lao động, nhưng thị trường xuất khẩu chưa hồi phục nên các DN tại Bình Dương vẫn chưa tuyển dụng lao động nhiều để tái sản xuất. Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, từ ngày 24.4 đến ngày 5.5, chưa đầy 100 DN đăng ký tuyển dụng lao động, vì vậy số lượng tuyển cũng rất hạn chế.
Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đang nỗ lực để kết nối NLĐ bị mất việc làm với DN đang có nhu cầu tuyển dụng. Tiếp tục tổ chức sàn giao dịch việc làm để kết nối trực tiếp NLĐ với DN. Bên cạnh đó, trung tâm cũng linh động giải quyết nhanh chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ qua nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ.

Tháng công nhân hướng về lao động khó khăn 
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo CĐ cấp trên cơ sở và CĐCS cần cụ thể hóa nội dung, hình thức tổ chức hoạt động để chăm lo tốt đời sống cho CNLĐ phù hợp với tình hình mới của địa phương và diễn biến của dịch COVID-19.
Theo số liệu tổng hợp, đến nay, các đơn vị đã trao tận tay hơn 300.000 phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, khẩu trang và tiền mặt cho CNLĐ khó khăn. Hơn 10 tỉ đồng tiền mặt được trích từ ngân sách CĐ và vận động các DN để hỗ trợ CNLĐ. Ngoài ra, CĐ và DN cũng hỗ trợ hơn 250 tấn gạo, gần 800.000 khẩu trang, vận động gần 1.200 khu nhà trọ (15.000 phòng trọ) miễn, giảm tiền trọ cho NLĐ.